Có thể bạn chưa biết, các loại rau hằng ngày mà chúng ta thường hay sử dụng để chế biến món ăn không chỉ đem lại mùi thơm hấp dẫn mà còn có tác dụng chữa nhiều loại bệnh. Trong Đông Y, những loại rau này được gọi là thảo dược.
Không chỉ có khả năng chữa trị hiệu quả các bệnh như đau đầu, mất ngủ, táo bón, nhiễm trùng máu,... mà một số thảo dược còn có đặc tính chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và có thể chống lại ung thư.
1. Ngải cứu
Ngải cứu có tên trong dân gian là cây thuốc cứu, cây thuốc cao hay ngải điệp, tên khoa học là Artemisia Vulgaris. Đây là một cây thuốc nam có rất nhiều công dụng trong việc chữa các bệnh như trị mụn, điều hòa kinh nguyệt, an thai, lưu thông máu lên não.
2. Húng quế
Húng quế là cây rau xanh, lá nhỏ, cành tím, hoa trắng. Theo Đông Y, húng quế có vị cay, tính nóng, dễ làm ra mồ hôi, lợi tiểu, giảm đau. Quả húng quế có vị ngọt và cay, tính mát, tốt cho thị lực. Lá húng quế thơm, nếu đem nhai sống sẽ làm thơm tho răng miệng. Ngoài ra, mùi hương này còn tạo cảm giác hưng phấn, xua tan mệt mỏi và nâng cao ham muốn tình dục. Nếu bạn lấy húng quế cho lên bếp để mùi hương lan tỏa khắp nhà còn xua đuổi được côn trùng rất công hiệu.
3. Thì là
Tên khoa học của thì là là Anethum graveolens, thuộc họ Hoa tán. Cây thì là thuộc dạng thảo sống hằng năm có thân nhẵn cao trung bình 55-75 cm, khía rãnh dọc, rễ trụ, lá có bẹ, phiến lá phát triển, các lá ở ngọn tiêu giảm, không có cuống.
Theo Đông Y, lá thì là có tính kích thích, mùi thơm hăng hắc, hơi đắng, có tác dụng kích thích sự bài tiết nước tiểu, đồng thời gia tăng lượng nước tiểu thải ra, do vậy đã làm giảm các cơn đau quặn do rối loạn đường tiết niệu như viêm thận, viêm bàng quang, sỏi thận gây nên.
4. Lá tía tô
Tía tô có tên khoa học là Perilla frutescens L, thuộc họ hoa môi (Labiatae), có vị cay, tính ấm đi vào các kinh tâm và phế, làm thoát mồ hôi, hạ khí, tiêu đàm. Lá tía tô có tác dụng chữa hắt hơi sổ mũi do viêm long đường hô hấp trên (cảm mạo), sốt, ho, bí mồ hôi, giúp tiêu hóa. Cành có tác dụng an thai. Quả được dùng để chữa ho, trừ đờm, hen suyễn, tê thấp.
5. Rau diếp cá
Diếp cá có tác dụng làm thuốc thanh nhiệt, giải độc cơ thể trong các trường hợp bị viêm nhiễm trong cơ thể như mụn nhọt, mẩn ngứa... Rau diếp cá còn có thể dùng để hạ sốt, hoặc dùng cho phụ nữ có thai.
6. Đinh lăng
Đinh lăng hay còn gọi là cây gỏi cá (vì nhân dân ta thường lấy lá để ăn gỏi cá, nhưng tên đinh lăng được dùng phổ biến hơn) là một loại cây nhỏ, thân nhẵn, không có gai, có chiều cao trung bình từ 0,8 đến 1,5 m có những nơi đất tốt cây có thể cao từ 1,8 – 2 m.Theo Đông Y, rễ của cây đinh lăng có vị ngọt nhưng hơi đắng, tính mát có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết.Còn lá có vị đắng nhưng tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ…Tất cả các bộ phận của cây đinh lăng từ gốc, thân đến lá đều có thể được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, rất tốt cho sức khỏe.
7. Rau răm
Rau răm hay còn có tên gọi là thủy liễu, hương lục... Theo Đông Y rau răm vị cay, tính ấm, không độc, dùng để chữa đau bụng lạnh, mụn trĩ, chàm ghẻ, kích thích tiêu hóa, chữa rắn cắn, kém ăn, làm dịu tình dục. Rau răm thường được trồng khắp nơi và được mọi người dùng làm rau sống và gia vị vào canh để có thể sát trừ một số độc chất có trong hải sản (tôm, cá...) nhưng khi làm thuốc, người ta dùng tươi, không qua chế biến.
8. Lá sung
Sung là một loại cây thường được trồng ven ao hồ để lấy bóng mát, lá được dùng để gói nem. Khi sử dụng lá sung làm thuốc nên chọn những lá có nốt sần. Lá sung có tính mát, vị ngọt hơi chát, có công dụng thông huyết, giảm đau, lợi tiểu, tiêu viêm, tiêu đờm, sát trùng, bổ huyết. Trong dân gian, lá sung thường được dùng để chữa sốt rét, tê thấp hay lợi sữa.
9. Rau cần
Rau cần nước còn có tên khác là cần cơm, cần ống, hương cần, hồ cần..., nó có tên khoa học là Oenanthe javanica (Blume), là một trong những loại rau thông dụng vào mùa đông ở nước ta. Với đặc tính là cung cấp nhiều chất xơ nên rau cần có công dụng rất tốt như loại trừ các chất thải có độc trong hệ tiêu hóa. Ngoài ra, hương thơm của rau cần còn có tác dụng kích thích và lưu thông các tuyến mồ hôi, giảm huyết áp, điều trị ho viêm phế quản, đau đầu,...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét